Đề án đưa 57.000 kỹ sư, cử nhân đi xuất khẩu lao động

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án hơn 1.300 tỷ đồng để đưa khoảng 57.000 cử nhân bị thất nghiệp đi xuất khẩu lao động tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Czech, Slovakia, Israel,…từ nay đến năm 2025. Theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH cho biết, đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc trong giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025 đã hoàn tất việc lấy ý kiến dự thảo.

Mục tiêu của đề án là đưa người lao động có trình độ cao ra nước ngoài làm việc ở các ngành như hộ lý, điều dưỡng Nhật Bản và Đức; công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí sang Hàn Quốc và hướng tới các thị trường việc làm mới như Cộng hòa Czech, Slovakia,…Từ đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp của một số sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đồng thời giảm áp lực nguồn cung việc làm từ trong nước.

Dự kiến chi 1.300 tỷ đồng để đưa cử nhân, kỹ sư đi xuất khẩu lao động

Đề án được chia là hai giai đoạn chính:

Giai đoạn 1 (2018-2020)

Dự kiến trong giai đoạn này sẽ đưa khoảng 17.700 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật sang làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Cộng Hòa Liên Bang Đức và Hàn Quốc. Cụ thể là đến 2020 sẽ đưa khoảng 3.750 người làm việc làm điều dưỡng, hộ lý và 7.500 kỹ sư điện tử viễn thông, sinh học, công nghệ thông tin và công nghệ vật lý sang Đức. Khoảng 1.500 lao động là điều dưỡng viên Nhật Bản và 3.000 kỹ sư cơ khí & công nghệ thông tin sẽ đưa sang Nhật Bản làm việc. Cùng với đó, dự án cũng đưa 1.800 kỹ sư hàn, cơ khí, công nghệ thông tin, điện tử và 150 lao động thuộc ngành nghề dịch vụ như khách sạn, đầu bếp, nhà hàng  sang làm việc tại Hàn Quốc.

Giai đoạn 2 (2020-2025)

Trong giai đoạn này, dự kiến sẽ đưa khoảng 39.395 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc. Trong đó có khoảng 3.335 lao động là hộ lý, điều dưỡng Nhật Bản, 6.670 lao động thuộc các ngành nghề kỹ sư điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật lý đi sang Nhật Bản làm việc. Khoảng 8.325 lao động làm công việc điều dưỡng, hộ lý và 16.700 kỹ sư điện tử viên thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật lý đi làm việc tại CHLB Đức. Còn đối với thị trường việc làm Hàn Quốc, dự kiến đến năm 2015 sẽ đưa khoảng 3.965 lao động thuộc ngành nghề công nghệ và 400 lao động thuộc nhóm nghề dịch vụ gồm phục vụ nhà hàng, đầu bếp.

Tổng kinh phí khi thực hiện dự án này là hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có kinh phí là 431,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2 có kinh phí là 873,7 tỷ đồng. Số kinh phí này lấy từ ngân sách nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước và vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam.

Thông tin về mức lương của người lao động khi làm việc tại nước ngoài, Bộ LĐTB&XH sẽ đàm phán với các đối tác để người lao động được hưởng mức lương tương ứng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Chẳng hạn, tại thị trường việc làm tại Nhật, mức lương cơ bản của điều dưỡng Nhật Bản khoảng 120.000 -150.000 yên/tháng (chưa tính tiền lương làm thêm). Sau một khoảng thời gian làm việc có kỹ năng tay nghề thì mức thu nhập khi đi xuất khẩu điều dưỡng sang Nhật Bản có thể tăng lên 200.000 yên/tháng. Đặc biệt, đối với lao động được cấp Chứng chỉ quốc gia về điều dưỡng hộ lý thì thu nhập hàng tháng lên tới 250.000 – 300.000 yên/tháng.

Như vậy, nếu đề án được triển khai sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho cử nhân, kỹ sư thất nghiệp và những lao động có tay nghề thuộc trong lĩnh vực kỹ thuật và dịch vụ ra nước ngoài làm việc. Đồng thời giảm tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động có trình độ chuyên môn,  tay nghề thấp, làm công việc độc hại, nặng nhọc và lương thấp.

Bình luận Facebook

Bài viết liên quan